Ảnh hưởng của "bức điện dài" Lí giải hành vi Liên Xô

Đối với chính sách ngoại giao Hoa Kỳ

Bộ trưởng Hải quân James Forrestal (trái) là người giới thiệu "bức điện dài" với chính quyền Hoa Kỳ, bao gồm Tổng thống Harry S. Truman (phải) và những người khác.

Matthews đánh điện cho Kennan khen bức điện báo là "tuyệt vời", "tôi phải nhấn mạnh tầm quan trọng của bức điện đối với anh em chúng tôi đang đau đầu với vấn đề này".[13] Byrnes khen bức điện là "một bản phân tích rất hay" viết rằng ông đã đọc nó "một cách rất hăng say". Harriman thì phê bình bức điện là "khá dài, vài chỗ khó đọc" nhưng cũng gửi một bản cho Bộ trưởng Hải quân James Forrestal. Forrestal là người phổ biến bức điện trong chính quyền Hoa Kỳ,[13] trong số những độc giả của bức điện có đại sứ Hoa Kỳ tại Cuba Henry Norweb, nhà ngoại giao Anh Frank Roberts, Tướng George Marshall và Tổng thống Truman.[23]

Bức điện dài nhanh chóng được giới chức Hoa Kỳ chấp nhận là lời giải thích đúng nhất cho hành vi Liên Xô.[24] Giới hoạch định chính sách, quân đội và tình báo đồng ý rằng chủ đích ngoại giao của Liên Xô là thống trị thế giới dưới một nhà nước cộng sản.[25] Nhà sử học John Lewis Gaddis nhận xét, bức điện dài "trở thành nền tảng của chiến lược Hoa Kỳ đối với Liên Xô trong suốt Chiến tranh Lạnh" và "biến Kennan thành chuyên gia hàng đầu của chính quyền về Liên Xô".[26] Tháng 4 năm 1946, Kennan được Forrestal giới thiệu vào Học viện Chiến tranh Quốc gia phụ trách lĩnh vực ngoại giao.[27]

Chính quyền Truman chấp nhận kết luận của Kennan rằng Liên Xô sẽ không bao giờ hợp tác với các nước tư bản mặc dù không có bất bình gì với phương Tây. Vậy thì không có lý do gì để giải quyết những mối quan tâm của Liên Xô nên chỉ còn chính sách ngăn chặn Liên Xô là thượng sách.[28] Nhà sử học Louis Halle nhận xét rằng bức điện dài ra đời "vừa lúc Bộ Ngoại giao đang lúng túng tìm nền tảng tư tưởng mới".[29] Gaddis và nhà sử học Wilson D. Miscamble cho rằng Halle phóng đại ảnh hưởng của Kennan bởi Bộ Ngoại giao đã bắt đầu có chủ trương đối địch đối với Liên Xô[30] nhưng Miscamble thừa nhận rằng "chắc chắn bức điện báo của Kennan đã xúc tác sự thay đổi về nhận định của Bộ Ngoại giao, nhất là đối với khả năng Hoa Kỳ có quan hệ không đối địch với Liên Xô".[31]

Trong khi những tác phẩm trước của tôi như đàn gảy tai trâu thì tôi rất ngạc nhiên trước tác này đã gây tiếng vang dội trong nhiều tháng trời."[32]

– Kennan nói về bức điện dài, năm 1967

Trong một bức thư đề ngày 12 tháng 3 năm 1946, Matthews có quan điểm khác, chỉ ra rằng chính quyền Hoa Kỳ đã bắt đầu có chủ trương không thừa nhận quyền lợi của Liên Xô trước khi có bức điện dài. Bằng chứng là một bài phát biểu của Byrnes vào ngày 28 tháng 2,[33] Byrnes giải thích: "Chúng ta không thể làm ngơ sự lợi dụng vũ lực hoặc uy hiếp trái với mục đích của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Đã là cường quốc thì phải ứng xử như một cường quốc, không chỉ để bảo đảm an ninh cho nước ta mà còn để duy trì nền hòa bình thế giới". Matthews cho rằng chính quyền dùng bức điện dài làm cơ sở cho những chính sách về sau.[note 3] Nhà sử học Melvyn P. Leffler chỉ ra rằng trước khi bức điện dài được lưu hành nội bộ rộng rãi thì Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đã có chủ trương vào tháng 2 năm 1946 rằng "không nên đánh đổi việc thỏa hiệp về nguyên tắc và cho phép Nga bành trướng ảnh hưởng ở châu Âu và Viễn Đông lấy sự hợp tác với Liên Xô".[34]

Đối với Liên Xô

Tuy là tài liệu mật nhưng do lưu hành quá rộng rãi nên bức điện báo bị lộ cho tình báo Liên Xô. Stalin chỉ đạo đại sứ Liên Xô tại Hoa Kỳ Nikolai Novikov đánh một bức điện tương tự từ Washington gửi Moskva.[35] Trong bức điện đề ngày 27 tháng 9 năm 1946[17] do Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Molotov soạn thảo[36] nhưng Novikov đứng tên, tác giả lập luận: "chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ phản ánh thiên hướng đế quốc của nền tư bản độc quyền Mỹ mà đặc trưng mà tham vọng làm bá chủ thế giới".[37] Hoa Kỳ hợp tác với Anh[38] để thống trị thế giới nhưng mối quan hệ này "đầy rẫy mâu thuẫn nội bộ, không thể lâu dài. Khả năng cao là Viễn Đông sẽ trở thành tụ điểm của các mâu thuẫn giữa Anh và Hoa Kỳ mà kết quả là sự sụp đổ của các thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Anh".[37]